Chương trình giao lưu văn hóa Mỹ visa J1
Mỗi năm có hơn 22.000 học sinh phổ thông quốc tế đến Mỹ tham gia chương trình giao lưu văn hóa visa J-1. Chương trình này cho phép học sinh có cơ hội đến Mỹ học tập ở một trường phổ thông công lập hoặc tư thục và sinh sống với gia đình bản xứ người Mỹ.
Giao lưu văn hóa Mỹ visa J1 là gì?
Chương trình giao lưu văn hóa Mỹ (Exchange Visitor Program) là chương trình cho phép người tham gia có cơ hội được giao lưu rộng rãi với người Mỹ, chia sẻ văn hóa của họ, củng cố khả năng tiếng Anh, học hỏi kỹ năng mới hoặc xây dựng kỹ năng phát triển tương lai. Người tham gia sẽ được cấp visa J-1 để nhập cảnh vào Mỹ trong thời hạn của chương trình.
Chương trình giao lưu văn hóa được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ hoặc tư nhân, chịu sự quản lý của Cục Văn hóa Giáo dục (Bureau of Educational and Cultural Affairs), trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (United States Department of State). Chương trình có 15 mục đích trao đổi khác nhau như học tập, giảng dạy, chia sẻ kiến thức, nhận đào tạo có thời gian từ một vài tuần đến vài năm.
Khuôn khổ trang web này chỉ đề cập đến chương trình giao lưu văn hóa dành cho học sinh từ 15 đến 18 tuổi đến Mỹ học tại một trường trung học công lập hoặc tư thục được công nhận và sống với gia đình bản xứ người Mỹ hoặc tại một trường nội trú được công nhận.
Chương trình giao lưu văn hóa Mỹ visa J-1 dành cho học sinh bậc trung học tại Mỹ do CSIET (Council on Standards for International Educational Travel ) kiểm định mỗi năm.
✆ Hotline: +84902062626 (Ms Xuyên)
Điều kiện tham gia giao lưu văn hóa Mỹ visa J1?
Như đã đề cập, khuôn khổ trang web này chỉ dành để nói về chương trình trao đổi văn hóa dành cho học sinh phổ thông từ 15 đến 18 tuổi.
Đối tượng tham gia là những học sinh muốn trao dồi kỹ năng học tập, củng cố tiếng Anh, kết nối với người Mỹ và tìm hiểu văn hóa Mỹ. Tham gia chương trình học sinh có cơ hội giao lưu rộng rãi với người Mỹ và chia sẻ văn hóa của mình. Khi trở về mong muốn được kết nối, mở rộng mạng lưới và khám phá các cơ hội giao lưu trong tương lai.
Điều kiện tham gia chương trình giao lưu văn hóa
Học sinh từ 15 đến 18 tuổi.
Chưa học xong lớp 11.
Chưa từng nhận visa F-1 hoặc J-1 trước đó.
Yêu cầu tính cách học sinh tham gia giao lưu văn hóa trung học phổ thông Mỹ
Ngoài các điều kiện ở trên bản thân học sinh cần phải có những phẩm chất mong muốn trải nghiệm. Du học Mỹ không dành cho tất cả mọi người, học sinh nên suy nghĩ nghiêm túc trước khi nộp đơn đăng ký. Dưới đây là một số phẩm chất cần của một học sinh giao lưu văn hóa:
Cởi mở: Một trong những mục đích lớn nhất của trao đổi văn hóa đó là thử những điều mới. Học sinh phải cởi mở để thay đổi lối sống, thói quen, chế độ ăn uống và các thú vui khác để phù hợp với gia đình bản xứ và nước Mỹ. Học sinh cũng phải chuẩn bị tinh thần để thiết lập các mối quan hệ mới, đặc biệt là với gia đình bản xứ. Để có trải nghiệm tốt học sinh phải giữ và mở rộng tâm trí với những cách suy nghĩ mới và khác biệt.
Độc lập: Mặc dù theo chương trình giao lưu văn hóa lúc nào cũng có mạng lưới hỗ trợ, nhưng khi sống và học tập tại một đất nước xa lạ, học sinh phải rất độc lập và tự chủ. Một khi rời khỏi Việt Nam, học sinh sẽ rời bạn bè, gia đình, môi trường sống và phải nói bằng tiếng Anh. Hầu hết học sinh trường mới mà họ không quen biết ai. Học sinh phải nhanh chóng tự lo liệu việc học và tập cách sống tự lập.
Lạc quan: Khi vừa đặt chân đến Mỹ mọi thứ hoàn toàn xa lạ. Kỹ năng tiếng Anh có thể không tốt. Không biết làm thế nào để đi lại. Bạn sẽ tự xấu hỗ bản thân trước gia đình bản xứ, bạn bè cùng trường và những người lạ. Hãy luôn giữa thái độ lạc quan chấp nhận thực tế, đương đầu với sự thay đổi và cải thiện những mặt chưa được. Thái độ và cách nhìn của bạn sẽ quyết định chuyến giao lưu văn hóa thành công hay không. Trở thành người lạc quan cho phép bạn kiên trì làm tốt bất cứ điều gì.
Chăm chỉ: Bạn phải nổ lực để đạt được thành công với tư cách là một học sinh theo chương trình giao lưu văn hóa trung học phổ thông. Nhiệm vụ hầu hết học sinh trao đổi cần làm là học ngôn ngữ mới, xây dựng và duy trì mối quan hệ mới, đi học, thân thiện và hòa đồng với bạn bè ngay cả khi bạn không phải lúc nào cũng thích họ, vượt qua cú sốc văn hóa.
Phiêu lưu: Cách tốt nhất để trải nghiệm nền văn hóa Mỹ là làm những điều mới mà có thể bạn chưa từng làm ở Việt Nam. Chẳng hạn như ăn thử món ăn mới, nghe thể loại nhạc khác. Càng trải nghiệm văn hóa mới, bạn sẽ càng cảm thấy mình là một phần của nó. Không giống như một vị khách du lịch bình thường, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để thử những điều mới. Nếu mạo hiểm hơn một chút, bạn sẽ có một khoảng thời gian thú vị và hấp dẫn.
Linh hoạt: Bạn phải có khả năng thích ứng với sự thay đổi. Không quá cứng nhắc và cố gắng theo cách của bạn. Lời khuyên tốt nhất mà các cựu học sinh trao đổi văn hóa trung học phổ thông trước đây đều khuyên rằng "thuận theo dòng chảy".
Bài kiểm tra kỹ năng Anh ngữ dành cho học sinh trao đổi văn hóa ELTiS
ELTiS, viết tắt của English Language Test for International Students, là bài kiểm tra tiếng Anh dành cho học sinh quốc tế từ 14 - 18 tuổi muốn tham gia chương trình trao đổi văn hóa ở các trường trung học phổ thông Mỹ. Bài kiểm tra tiếng Anh ELTiS gồm 2 phần Listening (nghe) và Reading (đọc hiểu), tuy nhiên phiên bản dành cho học sinh Việt Nam có thêm kỹ năng Writing (viết).
Phần kiểm tra Listening đánh giá kỹ năng nghe hiểu Anh ngữ dùng trong nhà trường, gồm 24 câu hoàn thành trong 25 phút.
Phần kiểm tra Reading đánh giá hiểu biết từ vựng học thuật, gồm 26 câu hoàn thành trong 45 phút.
Phần kiểm tra Writing đánh giá kỹ năng viết luận của học sinh về một chủ đề bất kỳ, gồm 1 câu hoàn thành trong 30 phút.
Số học sinh quốc tế tham gia giao lưu văn hóa trung học phổ thông tại Mỹ
Chỉ tính riêng chương trình giao lưu văn hóa trung học phổ thông, mỗi năm nước Mỹ đón nhận hơn 22.000 du học sinh tham gia.
Năm 2016 có 23.904 học sinh.
Năm 2017 có 22.953 học sinh, Việt Nam 286 học sinh.
Năm 2018 có 23.527 học sinh.
Năm 2019 có 23.550 học sinh, Việt Nam 246 học sinh.
Sau khi kết thúc giao lưu văn hóa Mỹ visa J1 học sinh sẽ làm gì?
Khi tham gia chương trình giao lưu văn hóa học sinh đang học lớp 10 hoặc 11, chưa kết thúc chương trình trung học phổ thông vì thế để nhận bằng tốt nghiệp THPT các em có thể lựa chọn các hướng đi như sau:
Lộ trình 1: Trở lại Mỹ học tiếp phổ thông trung học
Sau khi hoàn tất một năm chương trình giao lưu văn hóa, học sinh có thể quay trở lại Mỹ để hoàn tất chương trình trung học phổ thông và nhận bằng High School Diploma, sau đó học tiếp lên cao đẳng, đại học.
Lộ trình 2: Trở lại Việt Nam học tiếp phổ thông trung học
Chọn về nước hoàn tất chương trình trung học phổ thông cũng là phương án mà phụ huynh tính đến cho con. Chọn cách này học sinh đi giao lưu văn hóa sẽ tốt nghiệp trung học phổ thông chậm hơn 1 năm so với các bạn cùng trang lứa.
Lộ trình 3: Sang một quốc gia khác học tiếp phổ thông trung học
Ngoài Mỹ & Việt Nam, học sinh có nhiều lựa chọn để lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông ở một quốc gia khác như Úc, Canada, Singapore,...
Tất cả các phương án này đều tiếp nối theo sau chương trình giao lưu văn hóa Mỹ visa J1.
Lịch sử ra đời chương trình giao lưu văn hóa
Trao đổi văn hóa được xem là một phần của ngoại giao văn hóa trong phạm vi chính sách ngoại giao công chúng của Mỹ. Theo Wikipedia, một trong những trao đổi văn hóa sớm nhất với Mỹ xảy ra vào năm 1940 khi Nelson Rockefeller - điều phối viên của các vấn đề thương mại và văn hóa Mỹ - khuyến khích các nhà báo từ Mỹ Latinh đến thăm Mỹ.
Chương trình trao đổi văn hóa ra đời theo đạo luật Mutual Educational and Cultural Exchange Act of 1961 (Fulbright–Hays Act). Mục đích chính của chương trình trong luật ghi:
The purpose of this chapter is to enable the Government of the United States to increase mutual understanding between the people of the United States and the people of other countries by means of educational and cultural exchange; to strengthen the ties which unite us with other nations by demonstrating the educational and cultural interests, developments, and achievements of the people of the United States and other nations, and the contributions being made toward a peaceful and more fruitful life for people throughout the world; to promote international cooperation for educational and cultural advancement; and thus to assist in the development of friendly, sympathetic, and peaceful relations between the United States and the other countries of the world.
Mục đích của chương này là để Chính phủ Mỹ tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người từ các quốc gia khác bằng cách trao đổi văn hóa và giáo dục; thắt chặt đoàn kết giữa Mỹ và các quốc gia khác bằng cách thể hiện sự quan tâm văn hóa, giáo dục, sự phát triển và thành tựu của người Mỹ và những quốc gia khác, đóng góp hướng tới cuộc sống hòa bình và cuộc sống hiệu quả cho người dân trên toàn thế giới, thúc đẩy phát triển quan hệ văn hóa, giáo dục và để từ đó hỗ trợ cho sự phát triển mối quan hệ hòa bình, lịch thiệp và thân thiện giữa Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới.
Tính đến năm 2020, chương trình này đã ra đời gần 60 năm. Hiện nay có hơn 1.500 tổ chức lợi nhuận, phi lợi nhuận hoặc liên bang hoặc tiểu bang và chính quyền địa phương thực hiện các chương trình trao đổi học tập, giảng dạy, nghiên cứu, chia sẻ kỹ năng chuyên môn hoặc đào tạo tại chỗ.
Chương trình giao lưu văn hóa trung học phổ thông tại Mỹ là một trong 15 hình thức của chương trình giao lưu văn hóa do Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý. Mỗi năm có hơn 300.000 được cấp visa J-1 đến Mỹ tham gia chương trình trao đổi (Exchange Visitor Program). Trong đó 85% những người tham gia dưới 30 tuổi, 55% là phụ nữ. Rất nhiều trong số đó đã quay trở lại Mỹ theo một loại thị thực khác, học sinh phổ thông sẽ quay lại Mỹ học tập với visa F-1.