Gặp phụ huynh có con giao lưu văn hóa trung học phổ thông Mỹ

Qua nhiều năm hỗ trợ học sinh từ 15 đến 18 tuổi đăng ký tham gia chương trình giao lưu văn hóa trung học phổ thông ở Mỹ chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực của hầu hết phụ huynh và chứng kiến rất nhiều em thành công con đường học tập sau này.

Câu chuyện điển hình của một phụ huynh có con tham gia giao lưu văn hóa trên diễn đàn webtretho - diễn đàn của các mẹ về việc nuôi dạy con cái.

Câu chuyện của phụ huynh có 2 con đi giao lưu văn hóa

Qua nhiều câu hỏi tôi nhận được từ các chị trong webtretho và các đồng nghiệp ở cơ quan, tôi muốn viết vài dòng chia sẻ thêm kinh nghiệm đưa các cháu đi du học Mỹ như sau:

Chuyện dài dòng thì con gái đầu của tôi đi học trao đổi văn hóa Mỹ năm 2001 khi mà ở Sài gòn chỉ mới có 3 công ty dịch vụ tư vấn du học và chuyện đưa con đi gửi gắm ở một nhà người lạ lại là người nước ngoài vẫn còn rất xa lạ đối với mình ở đây. Con gái lúc đấy học Lê Hồng Phong nhưng hệ B và cũng còn lờ mờ chưa biết tương lai thi đại học sẽ ra sao. Nói chung là mọi chuyện diễn ra khá nhanh và mình cũng không nghĩ ngợi gì nhiều khi nộp đơn cho con, thi thố Anh văn... chắc là nghĩ cũng chưa chắc được đâu mà lo xa. Một phần thì nó cũng rất chủ động lê la hỏi han và kéo mẹ đi cho bằng được, cương quyết là muốn đi học một năm.

Thế rồi nó cũng thi đậu, cũng lấy được visa. Đến khi đóng tiền cho chương trình trao đổi văn hóa thì lúc đấy tất cả mới thành sự thật. Đó là con gái sẽ đi một mạch 9 tháng rưỡi ở một đất nước hoàn toàn xa lạ nửa vòng trái đất, ở nhà một người lạ và đi học ở một môi trường hoàn toàn mới. Nói thì cũng sợ nhưng mà đã đến được bước này rồi, thế là cả nhà lại chắt bóp đưa ra lúc đấy la 4.100 đô Mỹ cho chương trình một năm bao gồm bảo hiểm, chi phí ăn ở được lo, tiền học được lo. Lúc đấy thực ra còn chưa nghĩ là sau một năm thì sẽ ra sao nên tôi cũng bắt con làm cam kết sẽ về hoàn tất cấp 3 và thi đại học muộn một năm nếu không tìm được học bổng đại học.

Rồi nó cũng học hết một năm, trải qua không biết bao nhiêu chuyện và lại cũng xin được vài suất học bổng nho nhỏ ở các trường đại học cấp tiểu bang ở Mỹ. Rồi cũng ra trường, cũng có công ăn việc làm như bao nhiêu người bình thường khác. Đến năm 2010 thì đứa thứ 2 cũng lại xách cặp theo chị đi tiếp, nhưng lần này thì cũng đã đầy đủ kinh nghiệm chiến trường. Hiện tại cháu đầu đang đi làm ở Mỹ, lâu lâu lại về chơi. Cháu thứ hai đang học năm 2, có học bổng 120.000 đô ở một trường Liberal Arts University. Có một số lời khuyên xin chia sẻ với các mẹ như thế này:

  1. Tại sao học ở Mỹ: Hai đứa con tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống về cách học, cách nghiên cứu, ăn ở, quản lý tiền bạc cũng như tạo dựng được một cuộc ống tự lập cho bản thân mình từ chuyện nhỏ là nấu nướng, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa cho bản thân cho đến viết đơn xin vào trường đại học, xin học bổng, xin việc, phỏng vấn.

  2. Tại sao cho cháu đi chương trình trao đổi văn hóa: Chương trình này mục đích là để cho các cháu được tiếp xúc với nền văn hóa bản xứ nhưng cũng đồng thời mang đến một cách nhìn khác cho dân bản địa về nền văn hóa của các cháu. Đối với tôi thì nó là một thử thách, nếu các cháu không chịu đựng được một năm xa nhà thì chuyện đi học tiếp theo là rất khó đối với cả nhà. Đi trao đổi văn hóa có những cái hay khác như là tiếng Anh của các cháu có phần nào khá hơn, các cháu có mạnh dạn hơn, xử lý tình huống tốt hơn, biết tự lo chon bản thân hơn một chút.

  3. Con cái và tiền bạc: Các cháu phải học được giá trị của đồng tiền thì mới trưởng thành được. Mà việc đấy thì phải tự biết quản lý tiền bạc của mình. Ví dụ, ăn tiêu bao nhiêu, mua cái gì, tự biết một tháng mình dùng bao nhiêu là rất quan trọng. Khi các cháu đi học, một phần nào đấy các cháu bắt đầu phải tự làm quen với chuyện quản lý tiền bạc ở một mức độ phức tạp hơn so với ở Việt Nam và đấy đã là một sự học hỏi vượt bậc.

  4. Sức khỏe và bề ngoài: Khi ở nhà thì các cháu có tất cả các lý do để dựa dẫm vào bố mẹ trong việc ăn uống và hiện tại thì tôi thấy các cháu ở VN chỉ chăm sóc bề ngoài và đua đòi với quần áo, xe cộ, điện thoại. Không hẳn là ở Mỹ đâu cũng tốt nhưng tôi muốn nhấn mạnh là khi các cháu đã du học và ở một mình, các cháu sẽ phải tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và tìm một hình ảnh bề ngoài lành mạnh cho bản thân. Tôi sẽ chia sẻ thêm về việc dạy các cháu shopping và saving.

  5. Đại học ở Mỹ: Nếu các cháu quyết tâm đi học để có một tương lai sáng sủa hơn thì viêc chọn trường và chọn ngành rất quan trọng. Và chọn trường như thế nào để có học bổng mặc dù mình không có điểm cao là cả một nghệ thuật. Tôi sẽ chia sẻ thêm trong các bài sau.

  6. Nói chuyện với con cái và thay đổi bản thân mình để phù hợp với bước phát triển của thời đại: Khi con cái chúng ta đi xa và để "nói chuyện" với chúng không chỉ cần những công nghệ hiện đại nhất mà còn là cách nói chuyện, cách hỏi han để có thể tạo ra một sợi dây bền chặt giữa con cái nhất là trong khoảng cách và thời gian quá dài.

Nếu mọi người có câu hỏi, chia sẻ hay thắc mắc gì, xin viết ở đây và hi vọng thread này sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các cháu.

Có nên đi theo chương trình trao đổi văn hóa hay không?

Mai Sao trả lời: Rất nên. Tham gia chương trình sẽ cho các em cơ hội khẳng định mình có khả năng tồn tại được hay không, có dám xứ lý vấn đề không? Có mong muốn đam mê học hỏi từ một nền văn hóa khác hay không?, nhất là có vượt qua được mình không?Nếu khả năng thích ứng không cao thì bù lại là rèm luyện để có ý chí . Đây là bước thử thách xem có nên cho em đi tiếp không? Có đầu tư tiếp hay không?

Du học trung học tự túc: Có bạn hỏi tại sao tôi nghĩ là "52.000 đô cho con đi học trung học tự túc 2 năm là số tiền bỏ ra xứng đáng nhất," phải nhìn lại là chúng tôi đã có những bước chuẩn bị trước đó. Lần 1 đầu tư là khi con quyết tâm đi học trao đổi văn hóa 1 năm để xem như thế nào. Đấy là đầu tư lần 1 chỉ có 11.000. Vì lần 1 có hiệu quả nên chúng tôi mới quyết định đầu tư lần 2 là cho 2 năm học trường trung học tư. Khi tìm hiểu về trường tư ở Mỹ, chúng tôi cũng đã làm bài tập ở nhà: có nghĩa là đi hỏi han các phụ huynh khác và nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhưng hầu hết là có 2 luồng chính:

- Đi học trung học chỉ phí tiền mà lại mạo hiểm vì con còn nhỏ mà không biết tự lo cho bản thân. Ở một mình đặt đồng hồ dậy đi học cũng chưa biết chứ đừng nói tự giác ăn uống giặt giũ học bài.

- Cứ cho nó đi, nó phải đi thì nó mới khá được, cả tiếng Anh và nhất là người ta chỉ cho vào đại học.

Tôi không đồng ý hết với cả 2 ý kiến trên vì nó khá một chiều. Nhưng khi tìm hiểu về highschool ở mỹ thì các phụ huynh thường có mấy loại này:

- Boarding school: rất đắt thường thì 38.000 cho đến 60.000 một năm. Nghỉ đông thì phải đi đâu đấy hoặc đóng tiền mới được ở trong trường. Có khoảng 4-5 trường boarding school mà các phụ huynh đại gia hay cho con học. Những trường này cũng tốt về mặt giáo dục nhưng theo tôi là không đáng về mặt đầu tư

- Private high school không nhiều international students: Có cả nghìn trường tư nhưng các trường nhận international students thì không có nhiều. Các trường này thì thường bạn phải nộp đơn, viết essay, nộp bảng điểm, recommendation của giáo viên hiện tại, có thể phỏng vấn trực tiếp hoặc phỏng vấn qua điện thoại. Quá trình nộp đơn đến được nhận rất dài, mà không phải ai cũng được nhận.

- Private school hầu hết là international students: Các bạn hay cẩn thận những trường này vì theo tôi những trường này không có chất lượng tốt, chỉ thành lập chủ yếu là để có chỗ cho phụ huynh ham du học rẻ (khong 8.000 đến 15.000) mà không tìm hiểu kỹ về trường. Các trường này rất dễ vào, chỉ cần nộp đơn đóng tiền và nhất là họ thường ép bạn phải đóng tiền đặt cọc ngay từ đầu.

Chúng tôi nộp vào 4 trường cho con, 3 trường không quá khó và 1 trường rất khó vì họ khẳng định là không dy ESL (English as second language) nên cháu phải chạy bằng các bạn. Cháu phỏng vấn 3 trường thì được nhận và trường cuối cùng nói trên thì bảo là chưa chắc vì phải phỏng vấn cháu. Chị cháu nghe thấy liền tức khắc bày cho cháu cách phỏng vấn sao cho thấy được tâm huyết của mình dù khả năng là chưa đủ. Cuối cùng cháu đã được nhận vào trường.

Chúng tôi rất mừng nhưng cũng rất lo vì nói thật ra thì cũng không biết con có theo kịp không về việc học tập và làm sao để ở một mình. Chị nó đã học được cách thuê phòng cho cháu ở gần trường (không phải ai cũng cho học sinh nước ngoài thuê), chỉ cho cháu đi chợ ở đâu, ăn uống thế nào. Mới đầu cháu hơi bỡ ngỡ vì chưa biết cách đi chợ, xem tài khoản trên mạng, nấu ăn thì hầu hết là cơm chiên, trứng rán, bò xào. Nhưng cháu rất cố gắng và có lên mạng tìm hiểu thêm cách nấu ăn cho phù hợp với mình.

Đi học lúc ban đầu cháu được chỉ bảo khá tận tình vì là sinh viên quốc tế nhưng chúng tôi cũng phải dặn cháu:

1. Phải mạnh dạn hỏi khi mình không hiểu và phải biết cách hỏi. Ví dụ nếu muốn được vào lớp Caculus không thì phải hỏi counselor là làm thế nào để được xếp vào thay vì chỉ hỏi là có vào được không. Tôi quan niệm là "cuộc sống không bao giờ công bằng cả, bạn chỉ có được những gì mà bạn thương lượng được"

2. Sắp xếp thời gian hợp lý: khi còn nhỏ và ngay cả bây giờ, chúng ta không được học bài bản về sắp xếp thời gian thế nào cho hợp lý nên những thứ mà chúng ta muốn làm trong cả quãng đời nhiều khi chưa đủ. Chúng tôi dạy cháu là phải làm việc có khoa học để cho mình có động lực và sẽ không hỏng việc. Ví dụ khi nào có quiz, có test, có SAT, có band (cháu đánh piano trong trường)

3. Phải biết làm quen với bạn bè để không bị cô đơn và không bị cô lập: điều này thực ra không phải cháu nào cũng làm được nhất là ở trong một môi trường mới. Rất may mắn cháu cũng được chị chỉ cho một vài chiêu nhưng tham gia 1 hoặc 2 câu lạc bộ (thể thao hay không thể thao cũng được) làm quen với bạn trong lớp. Cháu ở môi trường chỉ có nam sinh và là công giáo nên thực ra cũng đỡ phức tạp hơn. Cháu không có đạo nhưng rất tò mò về mọi thứ xung quanh nên chỉ xem trường đạo là một trải nghiệm thú vị. Hơn nữa, mặc dù không tham gia thể thao nhưng cháu vẫn đi xem các cuộc đấu và cổ cũ cho trường.

4. Ăn ở sạch sẽ: Điều này sẽ làm cho cháu tự tin hơn về bản thân. Ăn mặc không cần phải chải chuốt và đắt tiền (nhất là khi trường có áo đồng phục) nhưng phải sạch sẽ, răng phải đánh sạch không để bị hôi. Những thứ cơ bản như vậy.

Ngôi trường cấp 3 của cháu được thành lập từ những năm 1940, có rất nhiều thầy cô tận tụy và giúp đỡ các cháu trong việc học tập cũng như khúc mắc về cuộc sống mà chưa chắc bố mẹ đã giải được. Bạn bè của cháu trong trường tuy ngoan có, quậy có, giàu có nghèo có nhưng hầu hết là được nuôi dưỡng bởi bố mẹ rất lo cho con cái và chịu đầu tư cho con cái (trường tư phải trả tiền mà) Thời gian 2 năm thực ra trôi qua khá nhanh vì cháu tự sắp xếp công việc như người lớn. Năm 11 thì có mục tiêu là phải được điểm A (nhưng chỉ được 3.2, học kỳ đầu chỉ được 2.8), biết đánh thêm 3 bài nhạc mới, tham quan được 1 hay 2 thành phố, đọc đươc 2 quyển sách, mùa hè phải làm gì. Năm 12 thì rất bận rộn đến độ cháu cũng ít thời gian nói chuyện với chúng tôi: các hoạt động ở trường, học thi SAT, học viết essay, tìm hiểu trường đại học, trao đổi với counselor, đi college fair. Và cuối cùng hồi hộp nhất là tháng 12 nộp đơn vào các trường. Cháu có nói là chưa bao giờ cháu chịu được áp lực lớn thế vì phải tự lo sắp xếp hết công việc. Nhưng khi nộp xong hết thì là thời gian ngồi chờ, và chỉ có cách chở đợi để xem kết quả những nỗ lực của mình.

Thực ra thì nếu chúng tôi "ép" cháu thêm nữa thì cũng có thể kết quả sẽ khả quan hơn, ví dụ trường đại học xịn hơn, nhiều học bổng hơn nhưng chúng tôi quyết định thả cho cháu tự trải nghiệm để hiểu được những quyết định của mình ngày hôm nay có ảnh hưởng đến tương lai thế nào. Thậm chí khi 3 lần thi SAT mà không đạt được kết quả cao nhưng mong muốn, chúng tôi cũng xác định cho cháu là có thể cháu sẽ phải học ở những trường tiểu bang hoặc qua cao đẳng cộng đồng chứ không được những trường giỏi như mong muốn. Vì chúng tôi đã xác định là đầu tư cho cháu 2 năm học này để hi vọng có được học bổng vào các trường đại học tư tốt, vì không thể chi trả được số tiền quá lớn 100% không có học bổng. Lúc đấy cháu đã dần hiểu được áp lực và trách nhiệm nên cũng có một sự cố gắng rất đáng kể so với khi con còn bé bỏng ở nhà. Học chăm hơn, đọc nhiều hơn, tự tìm hiểu hơn và biết thương ba mẹ nhiều hơn.

Cháu cũng dần dầu hiểu ra là không có một con đường tắt nào để đi đến thành công và cũng tự xác định là mình cũng có thể phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm: ví dụ có thể phải tính đường học qua cao đẳng cộng đồng rồi mới lên đại học 4 năm.

Chúng tôi cũng đã xác định: mình đầu tư cho con may ra sẽ may mắn về mặt hiệu quả kinh tế, nhưng không thì cũng được về hiệu quả con người. Sau 2 năm đằng đẵng học trung học và có kết quả đại học, cháu về nước và chúng tôi thấy rõ sự trưởng thành của cháu trong cách đi đứng, ăn nói, suy nghĩ và hiểu biết. Nhất là biết mình biết ta: không bị áp lực từ những nhân tố bên ngoài như bạn nào học trường nào xịn, điểm SAT bao nhiêu, mặc quần áo gì, đi bar nào. Cháu tự tạo ra một mục đích riêng cho từng năm khi chưa có một mục đích lâu dài hơn. Ví dụ: học để hiểu, đọc để thêm kiến thức trong hai năm đầu cái đã rồi sẽ tự tìm cho mình con đường riêng là sẽ làm gì.

Tôi có một lời khuyên cho các mẹ thế này: nên tìm thế mạnh và sở thích của con trước khi bạn hướng ngành cho con. Vì đấy là bí quyết kiếm học bổng dễ nhất ở các trường đại học tư. Còn nếu các cháu có sự lựa chọn khác về ngành nghề sau này vì thời thế thay đổi hay miếng cơm manh áo thì quay lại đây tôi tư vấn cho. Không có một ngành nào trong xã hội là không cần thiết cả. Chỉ có những người không đam mê với ngành của mình mới làm cho xã hội không phát triển thôi.

Tôi gần đây được (bị) hỏi như thế này: Làm sao mình dám cho con đi học ở Mỹ, trung bình là 50.000 đô một năm cả học ăn ở... hết đại học ít nhất là 200.000 còn cái đấy là chưa kể đi trước đại học nữa.

Tôi muốn chia sẻ trường hợp con trai thứ hai như sau: hai vợ chồng tôi cũng đi làm bình thường một tháng khoảng 30tr tổng cộng, nhà cho thuê khoảng 1.400 một tháng, nếu chi tiêu chắt bóp dành dụm thì cũng không tài nào đủ cho 50.000 một năm tiền cho con đi học ở Mỹ. Vợ chồng tôi đã quyết định như sau:

- 2009: Cho cháu đi giao lưu văn hóa (11.000 đô)

- 2010 - 2011: Cho cháu học ở 2 năm một trường cấp ba tư thục ở Cali với giá 16.800 một năm tiền học và khoảng 9.500 một năm cho tiền ăn ở. (cháu thi SAT được 1400/1800, GPA 3.4)

- 2012: Cháu được nhận vào 8 trường đại học với các suất học bổng khác nhau và cháu đã chọn trường cho cháu $120.000 cho 4 năm ($30.000 một năm) Chúng tôi phải chi cho cháu 24.000 đô còn lại cho một năm học. (Trường cháu đứng thứ 56 trong tổng số trường Liberal arts ở Mỹ)

- 2013: Cháu xin thêm được học bổng nên chúng tôi chỉ phải chi khoảng 20.000 một năm học cho cháu.

Vậy tính ra đầu tư trước đại học của chúng tôi cho con là $63.000 cho 3 năm trước đại học và cháu lấy được $132.000 học bổng, và còn có thể hơn trong các năm sau nữa. Về phương diện tài chính, có thể nói chùng tôi đã được hơn 100% lãi suất. Thực ra chúng tôi có thể giảm thiểu đầu tư trước đại học chỉ có $11.000 cho một năm trao đổi thay vì $63.000 (lúc đấy thì lãi suất sẽ là 12 lần) nhưng về phương diện đầu tư về con người, có thể nói đấy la $52.000 đô xứng đáng nhất mà chúng tôi từng bỏ ra. Cháu đã trưởng thành, tự tin và tự lo cho cuộc sống của mình. Cháu cũng có công việc thực tập ngay sau năm đầu và hướng đến những công việc sau đại học ngay từ bây giờ.

Vậy bài tính của gia đình thế nào để đưa con đưa đến những ước mơ gần như không thành hiện thực như thế.

Để trả lời được câu hỏi này không phải là đơn giản. Vì nó có những khía cạnh như sau:

1. Cháu có thực sự quyết tâm đi học để thay đổi tương lai không? Cháu có thực sự hiểu là đi du học là một sự đầu tư của bố mẹ cho cháu mà cháu chính là người nắm được vận mệnh của việc đầu tư ấy và cũng chính là sản phẩm đầu tư. Nếu cháu chưa hình dung được khái niệm này ngay từ ban đầu thì sự đầu tư của các anh chị cho con sẽ dễ thất bại hoặc rất gian truân. Tôi muốn nói ở đây là khả năng của các cháu (điểm SAT, học giỏi, học thêm học nếm) chưa phải là nhân tố quan trọng nhất trong việc đầu tư giáo dục này vì cái quyết tâm và hiểu biết về khái niệm này mới là quan trọng.

2. Khả năng tài chính của gia đình: thực ra đi du học Mỹ cũng có năm bảy đường, các anh chị đừng nên nhìn ai cũng giống như ai mà nản chí. Mình phải tìm ra con đường riêng của mình để đầu tư đúng đắn chứ không nên đua đòi. Các anh chị nên xác định được những điều sau đây: (1) thu nhập gia đình (2) chi tiêu gia đình (3) nguồn dự trữ (4) tài sản cố định. Khi xác định được những con số này rồi thì chúng ta mới làm được bài toán tài chính cho đầu tư giáo dục.

3. Thế mạnh của con cái mình: thực ra thì mình không phải là người có nhiều kiến thức về hướng dẫn cho con khi cả mình và nó ở trong một môi trường khá ít thông tin bổ ích như ở Việt Nam. Vì vậy nên không chỉ là sự tìm hiểu nghiên cứu của chỉ con cái mà là cả sự nghiên cứu của gia đình. Hiện nay có rất nhiều thông tin một chiều ví dụ như học lúc nào cũng phải các ngành Quản Trị Kinh Doanh, Tài Chính Kế Toán, Kinh Tế hay Công Nghệ Thông Tin (đối với học sinh du học) hoặc bác sĩ, kỹ sư (đối với học sinh châu Á nhưng sinh ra ở Mỹ). Nhưng các mẹ nên nhớ không phải đấy là tất cả những gì mà xã hội ngày nay cần đến. Vì vậy, biết được thế mạnh và niềm đam mê của con cái rất quan trọng trong việc hướng dẫn con đi lựa chọn trường học và nghề nghiệp sau này.

Tôi cũng rất tâm đắc một câu này: "Cứ với tới mặt trăng, chúng ta sẽ ít nhất vươn tới được một ngôi sao bên cạnh."

4. Tạo áp lực vừa phải cho cháu để trở thành một con người hoàn thiện và luôn vui vẻ trong cuộc sống: Kinh nghiệm hai muơi năm có con ở trường chuyên lớp chọn của tôi cho thấy đây là yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định cho con đi du học. Nói như thế này: không tạo áp lực thì con sẽ không hiểu được cuộc sống trước mắt có những áp lực như thế nào. Nhưng nếu tạo áp lực không đúng mực thì sẽ dẫn con đến những tình trạng như chán nản, tự ti, trầm cảm và thậm chí có những trường hợp xấu hơn.

Cám ơn bạn đã chỉ ra lỗi. Tôi vừa hỏi lại cháu thì điểm số của cháu thực ra chỉ có 1530/2400 cho 3 môn. Cháu có luyện thi ngắn ngày (6 tuần) và rất tiếc là mình đã không cho con luyện thêm SAT ở Việt Nam. Nếu như thế thì có thể điểm số của cháu đã tốt hơn.

Bạn nói như trên là đúng các thông số rồi đấy. Khi quyết định cho con thứ hai đi học thì thực ra mình cũng có một bọc kinh nghiệm từ những thiếu sót khi cho con gái đầu đi học ở Mỹ 8 năm trước. Và mình đã nhìn những thiếu sót ấy để rút ra đướng đi nước bước cho cháu thứ hai. Các kinh nghiệm như sau:

1. Cháu đầu ra trường với bằng Corporate Financial Management, dịch nôm na là quản trị tài chính tập đoàn, nhưng thực chất ra là Tài Chính và Kế Toán cộng lại. Cháu rất thích học về thiết kế nội thất nhưng vì cách nhìn đầu tư cho cháu của vợ chồng tôi lúc đầu nên đã hướng cho cháu ngành thực tiễn hơn. Lưu ý là những năm đầu 2000, các thông tin về trường đại học loại nào, làm sao có học bổng là còn rất ít. Cháu đầu không có được nhiều chỉ dẫn về các "chiến lược" nộp đơn vào đại học. Cháu đầu thi TOELF điểm không cao lắm, khi sang Mỹ thi SAT thì Toán 800 và tiếng Anh chỉ có 420 (vì lúc đó chưa học thêm nhiều về SAT) Đến khi cháu thứ hai thì chúng tôi có một cái nhìn khác hơn về giáo dục ở nước Mỹ, công việc ở nước Mỹ và cả thị trường lao động trên thế giới (có lẽ là do internet năm 2009 đã khác hẳn so với 2001) Cháu thứ hai khi học xong lớp 9, chúng tôi quyết định cho cháu đi cũng một phần là rất tự tin vào giáo dục phổ thông tư thục nước Mỹ (qua tìm hiểu và kinh nghiệm của cháu đầu) và chính nhất là cháu thứ hai cũng rất nôn nóng được đi học như chị. Vì vậy bài toán đầu tư đỡ một phần rủi ro vì có chị cháu ở Cali (nhưng không hẳn vậy, giải thích sau đây)

2. Khi đề cập vấn đề đi học cả lớp 10,11,12 ở Mỹ, cả nhà đều thống nhất với nhau là sẽ rủi ro nếu cháu đi quá sớm lớp 10 và có thể không có một sự chuẩn bị vững vàng về mặt tinh thần. Nhưng cuộc nói chuyện kéo dài hơn 6 tháng với cháu để xác định tinh thần và những tình huống có thể xảy ra đã làm cho cháu rất quyết tâm đi học. Các bạn nên nhớ chuyện chuẩn bị tinh thần này chiếm 80% sự thành bại của chương trình trao đổi văn hóa. Trong một năm trao đổi này, chúng tôi lại tiếp tục tìm hiểu về các trường trung học tư thục ở nước Mỹ trên tất cả các tiểu bang, từ những trường boading school đắt đỏ hơn đại học mà một số không ít các đại gia Việt Nam đang gửi con ở đấy đến những trường tư rẻ hơn rất nhiều ở những thành phố hẻo lánh. Chúng tôi loại ra được khoảng 4 trường trong khả năng tài chính cho phép và nộp đơn cho cả 4 trường. Các trường này có điểm mạnh và yếu riêng: ví dụ trường có lịch sử rất tốt, vị trí đẹp, thời tiết ôn hòa thì lại đắt nhất và lại là trường dòng cho học sinh nam, còn trường rẻ hơn thì lại nằm ở vùng hẻo lánh và thưa người. Lưu ý các trường này đều có cuộc tuyển chọn khá khắt khe như đại học (tôi sẽ chia sẻ thông tin những bài sau)

3. Khi chọn được trường cho năm 11 và 12 cho con trai, chúng tôi cũng nghĩ là rất may mắn trường này lại nằm ở Cali khá gần chỗ con gái ở (30 phút ô tô). Nhưng khi cháu thứ hai vào học thì cháu đầu lại quyết định về Việt Nam làm việc trong một năm, vì vậy thực ra cháu thứ hai cũng tự bơi năm lớp 11. Khi tìm kiếm các trường trung học này thì cháu còn khá nhỏ nên chúng tôi phải làm công việc tìm kiếm, nhưng cháu cũng đã tự biết viết essay (bài luận xin học), đi xin recommendations (giấy giới thiệu) từ các thầy cô và cả phỏng vấn trên điện thoại nữa. Chỉ 3 chuyện như trên nhưng chúng tôi cũng đã hướng dẫn cháu rất nhiều. Nhưng chủ yếu là để con tự phải làm trước rồi sửa sau. Khi chọn trường trung học này thì chúng tôi đã nhờ con gái ký giấy làm giám hộ cho em nên cháu được thuê nhà ở ngoài và ăn ở tự túc. Sống ở Bắc Cali khá đắt đỏ nhưng cháu đã tự túc xoay sở đạp xe đi học (trong khi đó các bạn trong trường hầu hết có xe hơi hoặc bố mẹ đưa đón) tự đi chợ nấu ăn (cháu là con trai), tự ký check trả tiền nhà hàng tháng, tự tìm tòi học hành, làm quen bạn bè và có thú vui riêng.

Thực ra thì khi quyết định chọn trường trung học này, chúng tôi cũng xác định được là cháu sẽ phải nỗ lực rất nhiều không chỉ trong học tập và trong đời sống nữa. Nhưng vì vậy chúng tôi đã chọn một trường ở cách xa trung tâm người Việt, trường theo đạo thiên Chúa chỉ dành cho nam sinh và ở trong một địa bàn có thu nhập khá ổn và dân trí cao. Đây cũng là cái giá mà chúng tôi quyết định trả ra để có thể yên tâm một phần nào khi cháu đi xa ở tuổi nhỏ.

Nếu kể ra thì không phải tất cả đều trôi trảy trong 2 năm học nhưng nhìn chung phải nói đấy là 2 năm chúng tôi rất tự hào về cháu và những gì chúng tôi đã đầu tư cho cháu.

4. Khi chuẩn bị vào đại học thì chúng tôi lại đươc con gái đầu chỉ cho rất chi tiết về những kỹ thuật xin học bổng, đường đi nước bước chọn trường cho đúng với thực lực của em và tài chính của gia đình. Nhưng chi tiết này tôi sẽ trao đổi riêng nếu có câu hỏi. Nhưng điều quan trọng nhất tôi học được là làm sao để hướng con xác định được sở thích và thế mạnh của mình. Cháu rất thích tìm hiểu về xã hội, chính trị, luật pháp (lại còn thực tập không công ở một văn phòng luật sư gần trường trung học) nên cuối cùng cháu đã hướng về học Government/ Political Science. Vì thế khi chọn trường đại học, cháu cũng đã có những các tìm hiểu và sắp xếp riêng để đạt được kết quả mong muốn mặc dù điểm cháu không cao như rất nhiều các cháu ở Việt Nam.

Trả lời câu hỏi trước đó: gia đình đã trả $100 đô cho dịch vụ du học trao đổi văn hóa vì lúc đấy rất bận rộn việc nhà. Nhưng chương trình như thế nào thì không xa lạ nữa. Các anh chị nên đi hỏi kỹ càng các dịch vụ trao đồi văn hóa để lấy thông tin và về trao đổi lại với con cái. Quan trọng ở đây là có sự tìm hiểu kỹ càng và trao đổi thẳng thắn giữa cha mẹ và con cái.

Nguồn: https://www.webtretho.com/f/phuong-phap-nuoi-day-con-cai/va-dong-chia-se-ve-du-hoc-my-cho-cac-chau-tu-15-den-18-tuoi-1780110